Bốn thỏa ước – Don Miguel Ruiz

4-thoa-uoc

Tên sách: Bốn thỏa ước

Tác giả: Don Miguel Ruiz

Rate: 9/10

Khi đã đạt đến một ngưỡng đọc nhất định, bạn sẽ nhận ra việc tiếp nhận một cuốn sách như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào kiến thức nền và trải nghiệm cuộc sống của chính bản thân người đọc. Hai người cùng một độ tuổi đọc cùng 1 cuốn sách chưa chắc đã có cảm nhận giống nhau, kể cả khi họ có tính cách tương tự nhau/hay cùng được lớn lên trong môi trường tương tự nhau (như anh chị em sinh đôi chẳng hạn). Bởi vậy nên những cảm xúc, ý nghĩa, bài học bước ra từ trang sách, đơn thuần và sẽ chỉ là mang tính cá nhân của người đó khi người ta nhận xét về bất cứ một cuốn sách nào.

Riêng bản thân mình khi đọc một cuốn sách cũng vậy, đọc cuốn đó vào 2 thời điểm khác nhau thậm chí cũng ảnh hưởng đến việc tiếp nhận cuốn sách, từ đó mang đến những chiêm nghiệm, suy nghĩ khác nhau.

“Bốn thỏa ước” là một cuốn sách gần như mình không biết đến một review nào trước khi bắt đầu đọc nó. Mình đọc chỉ đơn giản vì đây là cuốn sách được tặng – từ một người mình cũng chưa chắc họ có biết mình không, và cùng với mình thì (nhiều) người khác cũng nhận được cuốn tương tự nên khả năng để người tặng đó biết gout đọc sách của mình mà chọn tặng cuốn này rất là nhỏ nhoi. Lần đầu mở sách ra mình đọc được tầm hơn bốn chục trang. Rất chán. Mình buồn ngủ. Gần như chữ nghĩa nó cứ trôi tuột đi đâu hết trong đầu mình, sang hôm sau ngủ dậy thì mình không hề có một ý niệm gì về những thứ mình đã đọc từ cuốn này, không có một chữ nào trụ được trong tâm trí mình. Và mình nghĩ là mình sẽ dành cuốn này để đọc khi khó ngủ, tác dụng ru ngủ khá tốt. Mình gấp sách để đó cả tuần liền mà không có ý định kết thúc. (Luật của Readingladies yêu cầu thành viên phải đọc hết cuốn sách mới được review)

Sau đó có một sự việc xảy ra, trong thời điểm mình cần tĩnh tâm lại để suy xét mọi thứ vì mọi chuyện cũng đang rối ren trong đầu nên mình lại mở sách ra đọc để đi ngủ cho dễ hơn thì kỳ lạ thay là lần này mình như nuốt từng chữ của cuốn này. Mọi thứ đều trở nên sáng rõ, mọi ý niệm được nhắc tới trong cuốn sách mình đều thấu hiểu, theo một cách không ngờ đến. Đây có lẽ là minh chứng của việc đúng sách, đúng thời điểm – khi mà bản thân có đủ trải nghiệm để có thể cảm được một cuốn sách.

Vậy nên vào thời điểm hiện tại, đối với mình “Bốn thỏa ước” là một cuốn sách có tầm vóc như “Nhà giả kim”. Chính là một cuốn sách nhỏ, mỏng, đọc qua thì có vẻ đơn giản nhưng chứa đựng nhiều ẩn ý và bài học bên trong. Cuốn sách giống như một chiếc chìa khóa giúp bạn mở được cánh cửa giúp tìm thấy nguồn sức mạnh thúc đẩy bản thân mỗi người. Nhưng mở cánh cửa thì dễ (chỉ việc đọc sách) – còn căn phòng bạn vừa bước vào lại là Phòng Cần Thiết, bạn phải biết mình muốn gì, đang tìm kiếm điều gì, và có đủ khả năng để lĩnh hội được nó hay không thì lại chính là vấn đề của mỗi người.

Ông già Khottabych – Lazar Laghin

Tên sách: Ông già Khottabych 

Tác giả: Lazar Laghin

Rate: 7.5/10

Trước đây hay nghe mọi người nói “cụ Khốt” hay “ông già Khốt ta bít” nhưng chẳng hiểu ý nghĩa thực sự đằng sau cái tên đó là gì. Đọc cuốn sách này mới sáng ra được người ta dùng tên cụ Khottabych để chỉ những người lạc hậu, cứng nhắc, không theo kịp thế giới hiện đại vì trong truyện này, cụ đến từ thế giới cổ xưa mấy ngàn năm trước, hoàn toàn lạ lẫm với xã hội hiện đại của cậu bé Volka. Với lời văn dí dỏm, hài hước, tác giả kể về những câu chuyện xoay quanh những tình huống oái ăm do sự lạc hậu của ông Khottabych gây ra. Về tư tưởng, chắc nhiều người thấy khá gần gũi vì Nga và Việt đều là xã hội chủ nghĩa, nhưng mình không thích kiểu ca ngợi Đảng và Nhà nước hết mực như trong truyện lắm. Có lẽ đây là cách giáo dục của các nước xã hội chủ nghĩa, nhồi nhét tư tưởng yêu Đảng yêu nước vào trong tất cả các văn bản, kể cả một tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi như Ông già Khottabych, dạy trẻ yêu nước từ trong trứng nước chăng?

Tư duy như một kẻ lập dị – Steven D.Levitt & Stephen J. Dubner

tu-duy-nhu-mot-ke-lap-di

Tên sách: Tư duy như một kẻ lập dị

Tác giả: Steven D.Levitt & Stephen J. Dubner 

Rate: 7.5/10

Khi lướt qua tựa sách “Tư duy như một kẻ lập dị” mình nghĩ nội dung của nó là hướng dẫn người đọc think out of the box và tư duy ngược lại với đám đông. Nhưng khi đọc sách thì mình thấy nội dung cốt lõi là tư duy sâu sắc và tư duy một cách có logic. Mỗi chương nói về một vấn đề, với những ví dụ minh họa và những câu chuyện sinh động giúp người đọc dễ nhớ. Mình thích những cuốn sách có câu chuyện minh họa thực tế vì dễ liên tưởng, khi nghĩ đến câu chuyện thì sẽ dễ dàng liên tưởng đến bài học đằng sau nó. Còn khi đọc những cuốn chỉ có lý thuyết suông, đang đọc thì có thể thấy đúng và có lý nhưng đọc xong rồi thì như nước đổ lá khoai.

Mình chưa hài lòng với bản dịch cuốn này. Alphabooks thật sự cần phải đầu tư hơn vào việc dịch thuật, độc giả muốn đọc một cuốn sách hay chứ không phải một cuốn sách chấp-nhận-được.

Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng – Nguyễn Nhật Ánh

con-cho-nho-mang-gio-hoa-hong

Tên sách: Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng 

Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh

Rate: 6.5/10

Thực sự mà nói thì mình rất thích truyện bác Ánh, nhưng mình có cảm giác là những cuốn về sau không đặc sắc bằng những cuốn trước. Cuốn cuối cùng mình thấy hay là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Những cuốn sau này như Chúc một ngày tốt lành hay cuốn này không làm mình ấn tượng mấy, vẫn văn phong đơn giản dí dỏm đó nhưng mình thấy không những nội dung thiếu đi phần nào sâu sắc mà hình thức cũng thương mại hóa luôn, sách dày, giá tiền cao nhưng quá dàn trang, mỗi trang chữ quá ít, khổ chữ lớn và khoảng trống nhiều nên thực ra độ dài không được bao nhiêu.

Vũ trụ – Carl Sagan

vu-truTên sách: Vũ trụ

Tác giả: Carl Sagan

An’s review

Rate: 9.5/10

Một cuốn sách về khoa học đáng đọc, chứa một lượng thông tin lớn từ cơ bản đến nâng cao không chỉ về vũ trụ thiên văn học nói riêng mà cả về những vấn đề sơ khai nhất của sự sống. Hẳn là phải có một lượng kiến thức nền khá vững mới có thể lĩnh hội được tốt nhất những thông tin có trong cuốn sách này. Và mặc dù được xuất bản từ cách đây gần 40 năm thì chắc hẳn là với những người bình thường không chắc là quen thuộc. Bản thân tui vốn là đứa rất thích thiên văn học từ những ngày còn nhỏ và khá chăm đọc về thiên văn chiêm tinh các thứ, nên những phần viết về thiên văn hay lịch sử trong cuốn này tui tiếp nhận khá dễ dàng. Tuy nhiên, lại là đứa dốt và lười học các môn tự nhiên, nên phần về toán, định lý, những con số tui tiêu hóa khá chậm chạp. Càng đọc càng thấy lượng kiến thức mình có được quá nhỏ bé, nhưng lại tạo một động lực khá tích cực về việc bản thân cần phải thu nạp nhiều hơn nữa những kiến thức nền cơ bản để sau này khi quay lại đọc sẽ có thể nắm bắt tốt hơn những kiến thức trong này. Đọc để thấy yêu hơn hành tinh này, nhận ra Trái Đất đơn độc và đang tự đấu tranh để tránh khỏi việc bị diệt vong như thế nào, cũng để quý trọng hơn nữa nguồn tri thức nhân loại và sự cố gắng không ngừng nghỉ của những nhà khoa học. Tui còn thích rất nhiều điều nữa, một trong số đó là những chú giải, của cả tác giả (đính chính hoặc giải thích những thông tin trong sách) và của cả người dịch (cho những thông tin có bổ sung, được phát hiện thêm hay đã được thay đổi sau thời điểm cuốn sách xuất bản. Có một điểm hay ở bản dịch này là người dịch giữ nguyên tên của những nhà nghiên cứu khoa học chứ không phiên âm, đôi lúc làm tui cũng phải chững lại nghĩ một lúc để liên hệ với những cái tên nổi tiếng đã biết (vd Pythagoras sau nhiều trang đọc thì tui đã ố á ra là Pitago đó, hay Archimedes mà tui cũng đã sớm nhận ra là Ác si mét đồ =)). Mong là từ giờ trở đi các dịch giả hãy vui lòng giữ nguyên tên như vậy, cũng góp phần giúp người đọc tiến đến tri thức nhân loại nhanh hơn nhiều rồi đó.

Yung’s review

Rate: 9.5

Thực sự mà nói nếu chỉ đọc suông thì sẽ khó nắm bắt được hết kiến thức, tip là bạn luôn luôn phải vừa đọc vừa visualize ra trong đầu how it looks. Phần đầu sách đơn giản và cuốn hút, không làm cho người đọc nản khi đọc một cuốn sách khoa học. Nhưng đọc đến phần giữa thì mình hơi chơi vơi vì khi đó lượng kiến thức phải nạp đã lên đến khá lớn. Đến lúc mình coi The Ellen show có cậu nhóc chuyên gia vũ trụ, khi Ellen hỏi tên vệ tinh của Sao Mộc, cậu nhóc đọc liền tù tì 4 tên làm tui hét lên á cái này mình đọc rồi nè, vậy mà trong lúc đọc mình không nhớ được tên các vệ tinh, còn bị lẫn lộn giữa vệ tinh sao Thổ và vệ tinh sao Mộc nữa chứ, giờ nghe cái nhớ liền. Vậy nên mình không buồn khi đọc một cuốn sách mà không thể nhớ tất cả thông tin nữa vì chuyện đó là bình thường, mình cũng chỉ là một người bình thường. Đôi khi ở đâu đó vô tình bắt gặp một thông tin đã đọc làm mình nhớ lại và khắc sâu vào trí nhớ, vậy là tốt rồi. Nhờ lần coi Ellen show đó mà mình nhận ra đọc sách khoa học thì yếu tố nghe nhìn hỗ trợ tiếp thu rất tốt nên mình không đọc liền tù tì cho xong cuốn sách nữa mà kết hợp xem phim tài liệu. Xem phim mới thấy, vũ trụ, các hành tinh, siêu siêu đẹp, đẹp đến kì diệu, còn vỡ ra biết bao nhiêu điều mà khi đọc cứ như nước đổ lá khoai. Vũ trụ không phải là cuốn sách về thiên học đầu tiên mà mình đọc, nhưng có thể nói đây là cuốn sách khơi gợi sự say mê, hứng thú, khát khao tìm hiểu đối với lĩnh vực khoa học này.

Kafka bên bờ biển – Haruki Murakami

kafka_ben_bo_bien__haruki_murakami

Tên sách: Kafka bên bờ biển 

Tác giả: Haruki Murakami

Rate: 9/10

Đây là lần đầu tiên mình đọc tác phẩm của Murakami. Câu chuyện được dẫn dắt bới 2 tuyến nhân vật song song là cậu bé Kafka Tamura và ông cụ Nakata, biết điều này ngay từ đầu sẽ giúp người đọc bắt mạch truyện nhanh hơn. Cuốn sách cuốn hút một cách ma mị, giờ thì mình đã hiểu được tại sao Murakami lại được tung hê đến vậy, sẽ không có nhà văn thứ hai viết được như ông. Tui thấy lời nhận xét của dịch giả ở cuối sách là chính xác nhất: cuốn sách như một nồi lẩu thập cẩm, có đủ thứ: siêu thực, hiện thực kì ảo, bi kịch Hy Lạp, ảo giác, chiêm bao, những triết luận về phân tâm học, văn học, âm nhạc học. Phải là một con người vô cùng uyên bác mới có thể am hiểu hết từng đó lĩnh vực và thổi hồn vào một tác phẩm văn học. Mình rất khoái chí khi đọc một thể loại mới và phát hiện ra mình thích nó, đây sẽ là bước đầu thuận lợi cho việc tiếp tục đọc các tác phẩm khác của Murakami.
Về dịch giả, đọc cuốn này mới thấy rất khâm phục ông Dương Tường, dịch từ bản dịch tiếng Anh, rồi đối chiếu lại với bản dịch tiếng Pháp, có chỗ chưa hiểu ở cả hai bản dịch kia thì ông đem bản gốc tiếng Nhật đi hỏi người Nhật, bởi vậy mới thấy, làm một nghề thì dễ, nhưng tâm huyết với nghề đó thì không phải ai cũng làm được.

Độc Hành – Những Khám Phá Giá Trị Và Kỳ Lạ Trên Con Đường Tơ Lụa – Nguyễn Hoàng Bảo

doc-hanh

Tên sách: Độc Hành – Những Khám Phá Giá Trị Và Kỳ Lạ Trên Con Đường Tơ Lụa

Tác giả: Nguyễn Hoàng Bảo 

Rate: 8.5/10

Lúc đầu lướt qua tựa sách cứ tưởng sẽ đọc một tư liệu nghiên cứu lịch sử về con đường tơ lụa, đến lúc vào đọc mới biết đây là một cuốn du kí, hay quá, tui thích du kí hơn lịch sử nhiều. Trước giờ cứ nghe nói con đường tơ lụa, tui cũng mang máng hình dung đó là một con đường bắt nguồn từ Trung Quốc ngày xưa các thương nhân đi buôn bán tơ lụa, giờ thì biết thêm nhiều thông tin có cơ sở hơn rồi. Mở đầu cuốn sách tác giả giới thiệu xuất xứ của cái tên con đường tơ lụa ngắn gọn súc tích, không lịch sử lê thê dài dòng. Nội dung chính là những trải nghiệm của tác giả về văn hóa, con người ở những đất nước có con đường tơ lụa đi qua như Kuwait, Iran, Turkmenistan, Uzbekistan, Kyrgyztan, Tajikistan. Hai quốc gia Trung Đông là Kuwait và Iran khá quen thuộc vì tui đã có đọc qua ở những cuốn khác (nhưng đọc lại cũng không thừa). Phải nói rằng đây là một trong những tài liệu hiếm hoi chia sẻ kinh nghiệm du lịch ở các nước Trung Á vì các nước này khá biệt lập, không nhiều khách du lịch chọn những nước này làm điểm đến, đa số là những người đam mê du lịch khám phá. Với mỗi quốc gia, tác giả chia sẻ rất chi tiết cách đi, cách làm visa, địa chỉ đại sứ quán, tiền tệ, ẩm thực, những địa danh nổi tiếng, nên đi vào mùa nào, tất tần tật những gì tác giả biế, rất hữu ích. Đọc mà cảm thấy mê mẩn phong cảnh thiên nhiên với đời sống thảo nguyên du mục ở đây. Đặc biệt, tui được gặp lại đất nước Kyrgyztan với hồ Issyk Kul mộng mơ trong truyện Cây phong non trùm khăn đỏ của nhà văn Chingiz Aitmatov. Nếu bạn thích tìm hiểu các nước vùng Trung Á thì chắc chắn sẽ thích cuốn sách này.

Donald Trump: Đã Đến Lúc Phải Cứng Rắn Để Khôi Phục Sự Vĩ Đại Của Nước Mỹ – Donald J.Trump

donald-trump-da-den-luc-cung-ran-de-khoi-phuc-su-vi-dai-cua-nuoc-my

Tên sách: Donald Trump: Đã Đến Lúc Phải Cứng Rắn Để Khôi Phục Sự Vĩ Đại Của Nước Mỹ

Tác giả: Donald J.Trump 

Rate: 7.0/10

Đây là cuốn sách do chính Donald Trump viết trong thời điểm tranh cử nên mang đầy giọng điệu và góc nhìn chủ quan. Ông vẽ nên thực trạng nước Mỹ hiện nay hết sức tồi tệ, và sự nhu nhược của Obama là nguyên nhân chính của thực trạng đó. Trong cuốn sách này, Trump với cương vị là người tranh cử chỉ trích gay gắt tổng thống đương nhiệm Obama, có thể đây là cách mà người ta hay làm khi tranh cử, dìm người khác xuống để nâng mình lên, nhưng mình không thích như vậy. Sách trình bày rõ ràng từng phần, mỗi phần là một vấn đề nước Mỹ đang đối mặt, kèm theo giải pháp luôn. Theo ông Trump thì, nước Mỹ đang gặp phải vấn đề như vậy, Obama không làm được gì mà càng làm cho vấn đề tệ hơn, nếu Trump làm Tổng thống ông sẽ làm vậy nè vậy nè, sẽ giải quyết được ngay. Nói chung đọc để nhìn nhận thêm vấn để từ góc nhìn mới thì được, chứ mình không thích lắm.

Trí tuệ Do Thái – Eran Katz

img_2236

Tên sách: Trí tuệ Do Thái

Tác giả: Eran Katz

Rate: 9.6/10

Nếu bạn tò mò muốn biết tại sao người Do Thái lại được biết đến như một dân tộc thông minh, có tên tuổi đứng đầu trong hầu hết các lĩnh vực khoa học thì cuốn sách này sẽ mang lại lời giải đáp cho bạn. Cuốn sách vô cùng hấp dẫn khiến mình say sưa đọc từ đầu đến cuối. Tác giả dẫn dắt người đọc bằng những cuộc gặp gỡ nói chuyện thú vị của 3 người bạn Jerome, Itamar và Eran (tác giả), dần dần những buổi gặp mặt có thêm nhiều người tham gia góp chuyện làm cho câu chuyện ngày càng sôi nổi, qua đó bức màn bí ẩn về trí tuệ của người Do Thái cũng dần dần được hé lộ. Tác giả viết một điều mình thấy rất thú vị là nếu để ta sẽ thấy nhiều người Do Thái nổi tiếng trong các lĩnh vực trí tuệ như khoa học, kĩ thuật, văn học, nghệ thuật nhưng không hề có vận động viên Do Thái nào nổi tiếng trong các môn thể thao, đó là vì khi người ta sử dụng cái gì nhiều thì cái đó phát triển, người Do Thái luôn hoạt động trí óc nên trí óc phát triển, tay chân bỏ không nên thui chột. Thiết thực nhất có lẽ là những mẹo ghi nhớ của người Do Thái, giúp ta tăng cường khả năng ghi nhớ. À, bản dịch rất tốt, lần đầu tiên đọc sách của Alphabooks mà không phải phàn nàn về vấn đề dịch thuật. 100% khuyên đọc!

Ngày xưa có một con bò – Camilo Cruz

ngay-xua-co-mot-con-bo

Tên sách: Ngày xưa có một con bò

Tác giả: Camilo Cruz

Rate: 9.3/10

Mình gọi đây là little powerful book vì tuy chỉ dày chưa tới 150 trang nhưng nó khai sáng nhận thức và giúp người đọc thay đổi bản thân mình. Bản thân mình thấy, cuốn này đặc biệt hơn tất cả những cuốn sách về nhận thức bản thân hay dạy kĩ năng mình đã từng đọc. Sách có tựa rất độc đáo, Ngày xưa có một con bò, làm cho người ta có cảm giác vui vẻ thoải mái chứ không phải chuẩn bị tâm lý sắp đọc một cuốn sách dạy kĩ năng như Bí quyết để thành công hay Làm giàu không khó blah blah. Tại sao có tựa như vậy? Các bạn đọc phần mở đầu sẽ hiểu, tác giả bắt đầu bằng một câu chuyện ngụ ngôn ngắn gọn nhưng ý nghĩa, rồi từ đó dẫn dắt người đọc vào những “con bò” ai cũng mắc phải, cách nhận diện bò, làm sao để giết chết bò, và làm sao để sống một cuộc sống không có bò, rất đúng trọng tâm, không nhồi nhét nhiều, không viết một cuốn dày cộp chứng tỏ ta đây biết nhiều, tác giả chỉ viết đúng những gì người đọc cần biết. Sách viết với ngôn ngữ dễ hiểu, dễ hình dung, đi thẳng vào vấn đề nên thích hợp cho cả độc giả nhỏ tuổi. Ngay từ cách dùng từ “con bò” để chỉ lí do biện bạch cho bản thân đã khiến cho người đọc vừa thấy thú vị, vừa dễ nhớ. Mình đọc tới đâu thấy nhột và xấu hổ tới đó vì mình dính tất cả những con bò mà tác giả đề cập đến. Cũng giống như những cuốn khác thể loại này, đây sẽ là một cuốn sách bình thường hay là một cuốn sách thay đổi cuộc sống của bạn phụ vào việc bạn sẽ làm gì với nó: đọc xong để đó hay đọc xong rồi làm theo.