Vũ trụ – Carl Sagan

vu-truTên sách: Vũ trụ

Tác giả: Carl Sagan

An’s review

Rate: 9.5/10

Một cuốn sách về khoa học đáng đọc, chứa một lượng thông tin lớn từ cơ bản đến nâng cao không chỉ về vũ trụ thiên văn học nói riêng mà cả về những vấn đề sơ khai nhất của sự sống. Hẳn là phải có một lượng kiến thức nền khá vững mới có thể lĩnh hội được tốt nhất những thông tin có trong cuốn sách này. Và mặc dù được xuất bản từ cách đây gần 40 năm thì chắc hẳn là với những người bình thường không chắc là quen thuộc. Bản thân tui vốn là đứa rất thích thiên văn học từ những ngày còn nhỏ và khá chăm đọc về thiên văn chiêm tinh các thứ, nên những phần viết về thiên văn hay lịch sử trong cuốn này tui tiếp nhận khá dễ dàng. Tuy nhiên, lại là đứa dốt và lười học các môn tự nhiên, nên phần về toán, định lý, những con số tui tiêu hóa khá chậm chạp. Càng đọc càng thấy lượng kiến thức mình có được quá nhỏ bé, nhưng lại tạo một động lực khá tích cực về việc bản thân cần phải thu nạp nhiều hơn nữa những kiến thức nền cơ bản để sau này khi quay lại đọc sẽ có thể nắm bắt tốt hơn những kiến thức trong này. Đọc để thấy yêu hơn hành tinh này, nhận ra Trái Đất đơn độc và đang tự đấu tranh để tránh khỏi việc bị diệt vong như thế nào, cũng để quý trọng hơn nữa nguồn tri thức nhân loại và sự cố gắng không ngừng nghỉ của những nhà khoa học. Tui còn thích rất nhiều điều nữa, một trong số đó là những chú giải, của cả tác giả (đính chính hoặc giải thích những thông tin trong sách) và của cả người dịch (cho những thông tin có bổ sung, được phát hiện thêm hay đã được thay đổi sau thời điểm cuốn sách xuất bản. Có một điểm hay ở bản dịch này là người dịch giữ nguyên tên của những nhà nghiên cứu khoa học chứ không phiên âm, đôi lúc làm tui cũng phải chững lại nghĩ một lúc để liên hệ với những cái tên nổi tiếng đã biết (vd Pythagoras sau nhiều trang đọc thì tui đã ố á ra là Pitago đó, hay Archimedes mà tui cũng đã sớm nhận ra là Ác si mét đồ =)). Mong là từ giờ trở đi các dịch giả hãy vui lòng giữ nguyên tên như vậy, cũng góp phần giúp người đọc tiến đến tri thức nhân loại nhanh hơn nhiều rồi đó.

Yung’s review

Rate: 9.5

Thực sự mà nói nếu chỉ đọc suông thì sẽ khó nắm bắt được hết kiến thức, tip là bạn luôn luôn phải vừa đọc vừa visualize ra trong đầu how it looks. Phần đầu sách đơn giản và cuốn hút, không làm cho người đọc nản khi đọc một cuốn sách khoa học. Nhưng đọc đến phần giữa thì mình hơi chơi vơi vì khi đó lượng kiến thức phải nạp đã lên đến khá lớn. Đến lúc mình coi The Ellen show có cậu nhóc chuyên gia vũ trụ, khi Ellen hỏi tên vệ tinh của Sao Mộc, cậu nhóc đọc liền tù tì 4 tên làm tui hét lên á cái này mình đọc rồi nè, vậy mà trong lúc đọc mình không nhớ được tên các vệ tinh, còn bị lẫn lộn giữa vệ tinh sao Thổ và vệ tinh sao Mộc nữa chứ, giờ nghe cái nhớ liền. Vậy nên mình không buồn khi đọc một cuốn sách mà không thể nhớ tất cả thông tin nữa vì chuyện đó là bình thường, mình cũng chỉ là một người bình thường. Đôi khi ở đâu đó vô tình bắt gặp một thông tin đã đọc làm mình nhớ lại và khắc sâu vào trí nhớ, vậy là tốt rồi. Nhờ lần coi Ellen show đó mà mình nhận ra đọc sách khoa học thì yếu tố nghe nhìn hỗ trợ tiếp thu rất tốt nên mình không đọc liền tù tì cho xong cuốn sách nữa mà kết hợp xem phim tài liệu. Xem phim mới thấy, vũ trụ, các hành tinh, siêu siêu đẹp, đẹp đến kì diệu, còn vỡ ra biết bao nhiêu điều mà khi đọc cứ như nước đổ lá khoai. Vũ trụ không phải là cuốn sách về thiên học đầu tiên mà mình đọc, nhưng có thể nói đây là cuốn sách khơi gợi sự say mê, hứng thú, khát khao tìm hiểu đối với lĩnh vực khoa học này.

Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ – Stephen Hawking

vu-tru-trong-vo-hat-de

Tên sách: Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ – Stephen Hawking

Tác giả: Stephen Hawking

An’s review:

Rate: 9/10

Ôi ngỡ ngàng luôn. Ban đầu cứ sợ đọc một cuốn sách về vũ trụ vĩ mô thì sẽ đau đầu khó hiểu, nhưng không ngờ lại có thể nắm bắt cuốn sách khá dễ dàng. Chúng ta thường biết đến Stephen Hawking như là một nhà khoa học nổi tiếng về vật lý lượng tử, nên dễ nghĩ là sẽ được đọc một cuốn sách theo hướng học thuật, nhưng ngược lại cách viết của ông lại khá điềm đạm, khiêm tốn và có đôi chỗ còn hài hước nữa. Cách trình bày nội dung logic, rõ ràng, kèm theo hình minh họa và giải thích tỉ mỉ kiên nhẫn. Từ những phần đầu tiên, có thể thấy Hawking đề cao và thể hiện sự công nhận với những nghiên cứu khoa học của những con người đã có công lao đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển của ngành trong suốt chiều dài phát triển của khoa học. Tui rất thích tìm hiểu về hố đen mà trước giờ ít gặp tài liệu chuyên sâu nên có phần không mấy thỏa mãn, đến khi đọc cuốn này thì phải nói là ngộp luôn (đáng đời!). Cuốn này nếu ai dân tự nhiên thì sẽ tiếp nhận dễ dàng và còn thấy nó hay hơn nữa, chứ tui thì đến với nó trong tâm thế đơn giản là yêu thích những khía cạnh của vũ trụ và do trong quá trình đọc một số sách khoa học trước đây thì kiến thức về vật lý được nạp một cách vô thức nên gặp cái quen thì okie chứ trúng cái khó thì cũng chưa hiểu được hết những gì tác giả viết. Tuy nhiên tui đánh giá cao cuốn sách này, cả về khía cạnh kiến thức và ngôn ngữ cũng như cách diễn giải của tác giả.

Yung’s review:

Rate: 8.9/10

Cuốn sách đầu tiên về vụ trụ mà tui đọc, cảm nhận chung là khó nhằn, 2/3 đầu duy trì được sự tập trung và tỉnh táo (dù không hiểu mấy =)), 1/3 còn lại thì đọc được mấy trang lại ngủ gật hihu. Phải khẳng định rằng cuốn sách này khó hiểu vì hầu hết các khái niệm đều mới đối với tui chứ không phải do cách viết, ngược lại, cách viết rất gãy gọn, đủ ý, trình bày khoa học. Với một người mất gốc vật lý phổ thông như tui thì cuốn sách này nói 10, tui chỉ vào đầu 1, mặc dù tui biết Stephen Hawking đã cố gắng diễn giải những khái niệm khoa học một cách dễ hiểu nhất. Giờ thì tui thấy thấm thía hơn vì sao sách giáo khoa (tất cả các môn) không đi hết kiến thức này đến kiến thức kia mà nhắc đi nhắc lại 1 kiến thức nhiều lần, lần sau nhắc lại kiến thức cũ một chút rồi mở rộng hơn, đi sâu hơn. Ngày xưa cứ kêu ca tiếng Anh có bao nhiêu thì đó mà từ cấp 2 tới cấp 3 năm nào cũng dạy lại, lịch sử có bấy nhiêu năm bấy nhiêu sự kiện đó thôi mà năm nào cũng dạy lại (dù học bao nhiêu năm cũng không nhớ =)) mà không nhận ra rằng đó là cách hữu hiệu để khắc sâu kiến thức vào bộ nhớ của mình. Coi như là bước đầu tiếp cận thiên văn học, tui xếp cuốn này vào mục sách cần đọc lại để hiểu nội dung rõ hơn.

Horrible Science: Hệ tiêu hóa – Nick Arnold

horrible-science-he-tieu-hoa

Tên sách: Horrible Science: Hệ tiêu hóa

Tác giả: Nick Arnold

Rate: 8.9/10

Cuốn sách được viết khá chi tiết về hệ tiêu hóa với những miêu tả về các bộ phận của hệ này, từ việc nạp thức ăn, quá trình di chuyển và tiêu hóa của thức ăn xuống dạ dày, ruột non, ruột già và được thải ra ngoài. Phần sau của cuốn này cũng nói đến các bộ phận riêng biệt trong hệ cùng những hình vẽ và ghi chú rất rõ ràng chi tiết. Một số các biểu hiện của quá trình nhai, nuốt, tiêu hóa và sự ảnh hưởng của đồ ăn đến sức khỏe cũng được viết kỹ càng. Bản thân tui thấy cuốn này cung cấp thông tin tập trung nhất so với những cuốn sách khác cùng bộ Horrible Science ấy.

Horrible Science: Đánh chiếm bầu trời – Nick Arnold

danh-chiem-bau-troi

Tên sách: Horrible Science – Đánh chiếm bầu trời

Tác giả: Nick Arnold

Rate: 8.3/10

Lựa ngay cuốn này ra đọc đầu tiên ngay sau khi vừa mới tậu kha khá sách trong bộ Horrible, lý do dễ hiểu vì mình quá đam mê bầu trời và máy bay. Mặc dù tác giả Nick Arnold viết rất thú vị, dịch cũng hài hước không kém, tranh minh họa khá buồn cười nhưng vẫn không tăng mức độ tập trung của mình lên bao nhiêu, tâm trạng khi đọc cuốn này kém hào hứng hẳn so với những cuốn khác. Một phần có lẽ đây không đơn thuần chỉ là giới thiệu, cung cấp thông tin kiến thức mình chưa biết mà còn lồng ghép các kiến thức vật lý, nguyên lý hoạt động bay… nên khó hiểu và khó tiếp nhận hơn, chưa kể điểm thêm vô số các nhân vật và sự kiện qua các thời kỳ. Nói chung thì tác giả chắc cũng đã cố gắng đơn giản hóa rất nhiều mà vẫn cung cấp đủ thông tin cho người đọc rồi. Đọc xong cuốn này sẽ biết để có được chiếc máy bay hoàn thiện ngày nay thì ngày trước con người đã phải gian nan vất vả như thế nào, thậm chí rất nhiều người đã bỏ mạng vì thử nghiệm, việc theo đuổi giấc mơ vươn tới trời cao quả thật chả dễ dàng gì nhưng không thể phủ nhận rằng bay đã chứng tỏ là câu chuyện thành công lớn nhất trong lịch sử thế giới, thay đổi cuộc sống của rất nhiều triệu người trong thời gian rất ngắn, một phát minh thuộc dạng tầm cỡ theo sau với nhiều tin tốt và cũng không kém những tin dễ sợ, nếu con người sử dụng đúng mục đích thì sẽ giảm bớt khá nhiều tin dễ sợ ấy chứ. Ngoài việc hơi thiếu tập trung một xíu thì cuốn sách có khá nhiều thông tin thú vị, lời khuyên là nên đọc chậm rãi thôi ;)

Horrible Science: Hóa học, một vụ nổ ầm vang – Nick Arnold

hoa-hoc-mot-vu-no-am-vang.jpg

Tên sách: Horrible Science: Hóa học, một vụ nổ ầm vang

Tác giả: Nick Arnold

 Rate: 8.8/10

Môn hóa phải gọi là một vết đen trong sự nghiệp học hành của tui (dù nó cũng không có gì sáng chói cho lắm). Tui dốt hóa, nên khá nghi ngại khi đọc cuốn này. Tuy nhiên cuốn sách dễ thương quá chừng, và làm tui yêu thích những loại hợp chất phức tạp của hóa học. Tác giả đã làm rất tốt trong việc sắp xếp nội dung và truyền tải những kiến thức cơ bản và nổi bật của hóa. Phần về các chất và các nguyên tố cũng được viết rất dễ hiểu. Tuy nhiên tui vẫn muốn bên cạnh phần dịch các nguyên tố trong bảng tuần hoàn, dịch giả nên để tên nguyên tố đó bên cạnh để dễ liên tưởng đến sự logic của hệ thống đó. Nhưng nhìn chung thì cuốn sách đã làm hài lòng tui.

Horrible Science: Vi sinh vật vi tính – Nick Arnold

vi-sinh-vat-vi-tinh

Tên sách: Horrible Science: Vi sinh vật vi tính

Tác giả: Nick Arnold

Rate: 8.7/10

Đọc cuốn sách này giống như đang thực hiện một cuộc du hành vào thế giới siêu vi của sinh vật. Những loài vi sinh vật nhỏ bé nhưng không thể coi thường, bởi chúng đang hiện diện ở tất cả mọi nơi quanh đây, bởi chúng có thể sẽ trở thành những sát thủ tí hon đánh gục được bất cứ gã khổng lồ nào, hoặc cũng có thể là những siêu nhân tí hin giúp lợi cho sức khỏe con người. Có một phần nhỏ nhưng tui khá thích trong đây là phần viết về giải phẫu vi phẫu, nhưng nếu muốn biết nhiều hơn chắc phải đọc sách gì liên quan đến y học. Để tiếp cận với thế giới nhỏ bé sống động phong phú nhộn nhạo này, con người có một cách duy nhất: dùng kính hiển vi. Ngoài ra chúng ta chỉ cần có thêm sự cẩn trọng, tĩnh lặng, và tập trung tuyệt đối. Nghe cũng tuyệt chứ, hah?!

Horrible Science: Vật lý, câu chuyện bí hiểm của những lực bí hiểm – Nick Arnold

vat-ly-cau-chuyen-bi-hiem-cua-nhung-luc-bi-hiem

Tên sách: Horrible Science: Vật lý, câu chuyện bí hiểm của những lực bí hiểm

Tác giả: Nick Arnold

Rate: 8.5/10

Tui nghĩ tác giả Nick Arnold chắc hẳn có một phong cách và cách bố cục tương tự nhất định trong những cuốn sách trong bộ này, nhưng qua bản dịch khác nhau sẽ gây những hiệu ứng khác nhau, thế nên tui quyết định chọn một cuốn do một người khác dịch để dễ so sánh. Cuốn này do Khanh Khanh dịch. Khá ổn, phần nội dung nói về các hiện tượng vật lý khá khô khan, nhưng đọc vẫn thấy mượt, tiếp nhận được dễ dàng. Hầu như những kiến thức trong này chúng ta đều đã được học hết rồi (vậy mới nói chương trình học phổ thông của Việt Nam thiệt đáng nể, nhồi quá nhiều, vấn đề là học trò có nhớ được hết không thôi, nhớ được hết thì quả thực mấy cuốn sách như này chả xi nhê gì). Sách xen kẽ khá nhiều các câu chuyện về các nhà vật lý khoa học, có một đoạn viết về Galilei làm tui ố á, nào giờ cứ nghĩ ổng bị giáo hội thiêu vì công khai tuyên bố các sự thật này nọ. Hóa ra hổng phải vậy.

Horrible Science: Cây xanh đành hanh – Nick Arnold

cay-xanh-danh-hanhTên sách: Horrible Science: Cây xanh đành hanh

Tác giả: Nick Arnold

Rate: 8/10

Cũng là một cuốn sách của Nick Arnold, nhưng do Trịnh Huy Ninh dịch. Đọc biết liền luôn. Dịch không hay. Cảm giác đọc câu từ không được thanh thoát nhẹ nhàng, không bật lên được sự vui vẻ hài hước như lúc đọc các cuốn do Trịnh Huy Triều dịch. Thành ra nửa cuốn đầu cảm giác hơi uể oải, nhàm chán. Đáng lý ra đây là cuốn sách đầu tiên của bộ này mà tui đọc nhưng hồi đó tui háo hức mua về bao nhiêu thì sau khi đã thử đọc vài trang lại thấy không đủ hấp dẫn nên bỏ đó đi đọc cuốn khác. Bởi vậy mới nói người dịch quan trọng cực kỳ luôn. Văn phong của dịch giả có thể làm thăng hoa một cuốn sách cũng có thể gây mất cảm hứng cực kỳ. Dù sao thì đây cũng là một cuốn sách cung cấp nhiều thông tin. Có một phần lúc nói về cây trà tác giả viết là nguồn gốc xuất phát từ Trung Quốc tuy nhiên do vài tuần trước đọc Trà Kinh xong tui biết là cũng không hẳn như vậy, nhưng các nguồn thông tin thì quá nhiều, cũng khó để kiểm tra thu thập được hết ha.

Horrible Science: Không gian, các vì sao, và người ngoài hành tinh – Nick Arnold

khong-gian-cac-vi-sao-va-nguoi-ngoai-hanh-tinh

Tên sách: Horrible Science: Không gian, các vì sao, và người ngoài hành tinh

Tác giả: Nick Arnold

Rate: 8/10

Vì tui vốn thích đọc về thiên văn vũ trụ nên đến 80% những thông tin trong sách này đều đã là những thông tin khá quen thuộc. Tác giả cho thêm thành phần người ngoài hành tinh vào xuyên suốt cuốn sách chắc để tạo cảm hứng thêm cho người đọc và để dễ viết về các ảnh hưởng đối với sinh vật trong không gian nhưng cá nhân tui không thích lắm, thấy giống như trong mấy bộ phim hoạt hình mà bị đập cho bét đầu xong sống dậy như bình thường í. Nói vậy nhưng cũng nên xét lại là cuốn sách này không phải được viết theo phong cách nghiêm túc như những cuốn nghiên cứu về vũ trụ khác nên phải tạo không khí bông đùa thoải mái. Chắc do tui đọc nhiều cuốn nghiêm chỉnh về chủ đề này rồi nên cuốn này so ra lại quá thường.

Horrible Science: Thú dữ – Nick Arnold

thu-du.jpg

Tên sách: Horrible Science: Thú dữ

Tác giả:Nick Arnold

Rate: 9/10

Bản dịch rất tốt, đôi khi còn khiến tui nghĩ không biết bản gốc có thực sự hài hước và hay ho được như thế không nữa. Người dịch sử dụng khá nhiều các cụm từ đồng âm khác nghĩa đặc trưng của Việt Nam để mô tả các thông tin được nói đến trong này. Một cuốn sách nói về các loài thú dữ, nhưng không chỉ đơn giản như vậy, những chương cuối thực sự khiến người đọc phải suy nghĩ, về cách loài người đã đối xử và đẩy những loài động vật quý hiếm vào kết cục tuyệt chủng như thế nào. Tranh minh họa rất hài hước, xen kẽ nhiều câu đố vui, các facts không phải ai cũng biết, mà còn nhiều câu chuyện lịch sử khá hấp dẫn. Một trong những chuyện mà tui thấy quen thuộc như là về nhật ký Hugh Glass viết trong chương nói về gấu (có ai thích phim The Revenant như tui không?), hay là đoạn nói về bò rừng, sói, hổ khiến tui nhớ lại lúc xem phim The Jungle Book. Tui rất thích xem phim về các loài động vật hoang dã rồi môi trường rừng cây biển cả này kia nữa, nên nói chung là rất hào hứng thích thú khi tiếp cận bộ sách này.